TƯ VẤN CHO BẠN

0858826868 hoặc 0225.3820051

hien thi
Hotline

Hotline

0909922889 Hotline

Tin mới đăng

» Xem thêm

Tin chuyên nghành


Thống kê truy cập
Online:
Visitor:

Tin tức & Sự kiện “Đột nhập” làng tái chế nhớt thải lớn nhất miền Bắc

15/09/2014 15:47 | Lượt xem: 3722
GiadinhNet - Nhớt thải, nhớt tái chế đang được buôn bán tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Hệ lụy đối với môi trường địa phương và máy móc của người sử dụng khi mua phải loại hàng này là nhãn tiền...
Lộ công thức “nhớt chế”

Đường về khu vực xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội nhan nhản biển quảng cáo thu mua dầu nhớt. Mỗi ngày, hàng chục chiếc xe máy đi gom dầu thải khắp nơi nối đuôi nhau “đổ” về đây rồi xoay vòng lấy dầu nhớt đi đổ mối. Có cầu ắt có cung, chỉ cần đặt trước, người mua sẽ có đủ loại từ nhớt thải, nhớt mới, thậm chí nhớt tái chế “xuyên chai”, số lượng bao nhiêu cũng có.

Trong vai những người đi thu mua dầu nhớt thải, dầu nhớt tái chế, chúng tôi đến đại bản doanh nhớt tại xã An Khánh. Theo quan sát của PV, hoạt động của làng nhớt diễn ra công khai ngay sát quốc lộ, hàng loạt thùng phuy đã để sẵn chờ người thu gom đến đổ hàng. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở dầu thải đổ về “vựa” thu gom vốn được mệnh danh là lớn nhất miền Bắc này. Ông Tâm, một chủ thu mua dầu thải cho biết, dầu được bán từ những lái xe công trình hoặc nhân công từ các xí nghiệp, nhà máy “tuồn” ra. Khu vực này có nhiều nhà chuyên thu mua dầu mới bị “cắt xén” sau đó bán lại với giá cao. Có những người thu gom dầu thải sau đó xoay vòng, bằng cách bán thẳng cho các công trình xây dựng hoặc các nhà may cần dầu bôi trơn. Tinh vi hơn, có nhiều chủ “vựa” đem chính dầu thải, tái chế sau đó bán lại cho người dùng hoặc mối buôn.

Khi được hỏi làm thế nào để phân biệt nhà nào có dầu tái chế thì ông Tâm cho biết, những nhà có biển hiệu trông cũ kỹ thì xác suất có dầu nhớt tái chế là cao nhất. Còn với những nhà có biển quảng cáo mới, đó là những hộ chuyên thu gom dầu thải, dầu mới rồi bán lại chứ ít có hoạt động tái chế. Lần theo một tấm biển hiệu cũ xập xệ ven đường, chúng tôi tìm gặp ông Tô, một người được xem là có thâm niên trong nghề “chế” dầu thải. Gặp chúng tôi, ông này dò hỏi: “Các cô ở đâu? Mua dầu làm gì?”. Tỉnh bơ với hàng loạt câu hỏi thăm dò, chúng tôi ngỏ ý muốn mua dầu nhớt thải, dầu tái chế với số lượng lớn. Nghe có mối hàng “khủng” ông Tô mừng ra mặt và bắt đầu giới thiệu những mặt hàng mà cơ sở này có. Ông Tô cho biết, có hai loại dầu chính được bán tại khu vực này là dầu tái sinh và "xuyên chai".
Loại nhớt tái sinh là loại chỉ sơ chế qua để lọc bỏ cặn bẩn, có màu giống như nước coca. Với loại hàng này, chỉ cần cho mô tơ vào khoắng sẽ cho ra sản phẩm nhìn như "thật", chất dầu mượt, độ nhớt cao... với giá trên 3,5 triệu đồng/phuy. Ông Tô còn hướng dẫn chúng tôi, chỉ cần pha dầu này với hàng thật với tỉ lệ 50/50 thì khó có thể phân biệt được thật/giả.
 

Loại dầu được cho là cao cấp hơn, dân buôn thường gọi với cái tên nhớt "xuyên chai". Sở dĩ gọi là nhớt “xuyên chai” vì loại này khi quan sát, người mua thấy nhớt trong vắt, không có cặn bẩn, có thể nhìn xuyên từ bên này sang bên kia khi đóng chai. Loại này có màu vàng trong như nước chè có giá 4-5 triệu đồng/phuy, dung tích 200 lít. Với loại dầu này, nhớt thải được đổ vào nồi đun và khoắng lên sau đó cho a-xít vào để lắng cặn. Hớt bỏ phần bọt ở trên, cặn ở dưới, lấy phần có màu nhờ nhờ ở giữa, tẩy lại cho trong, pha thêm mỡ công nghiệp hoặc nhựa thông để có vẻ... nhơn nhớt, là thành dầu mới. Đó là “công thức” căn bản của các lò nấu nhớt, biến nhớt thải thành nhớt mới.

Việc xoay vòng dầu nhớt thải “một vốn bốn lời” nên dường như đây là một nghề khá hấp dẫn với một số người dân khu vực này. Mỗi can dầu nhớt thải mua lại giá chỉ 11.000-12.000 đồng/lít nhưng bán ra với giá gấp đôi gấp ba. Theo ông Tô, tất cả các hãng dầu nhớt có tên “lạ” trên thị trường hiện nay đều dùng loại dầu cất, dầu “xuyên chai” đã được tái chế. Các chủ “vựa” khẳng định với chúng tôi rằng, khách hàng chỉ cần thông báo trước thì muốn mua bao nhiêu cũng có. Nếu có nhu cầu, các chủ “vựa” còn cho nhân công về tận nơi để đun tái chế dầu thuê với giá 1.000 đồng/lít.
Hỏng xe, chết cây vì nhớt

Theo lời của một thợ sửa chữa xe máy tên Tuấn (Mễ Trì, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), dầu nhờn chính hãng của các nhà sản xuất có tên tuổi thì giá rất cao nên mỗi chai dầu chỉ được lãi rất ít. Còn với dầu tái chế thì giá nhập vào là 38.000-40.000 đồng/chai có dung tích 0,8 lít. Giá bán cho người tiêu dùng là 85.000 đồng/chai. Dầu nhờn chính hãng nhập vào 80.000 đồng/chai giá bán cũng chỉ được lời 5.000 đồng/chai. Theo anh Tuấn, nhiều thợ đã nhập cả hai loại dầu nhờn chính hãng và dầu tái chế. Khi có khách vào quán yêu cầu thay dầu thì tùy cơ ứng biến, với khách vãng lai thì sẽ dùng dầu nhớt tái chế thay cho khách nhưng vẫn thu giá dầu của hãng sản xuất. Còn khách quen biết thì bắt buộc phải thay dầu xịn. Về hiểm họa đối với máy móc khi dùng nhớt tái chế, anh Tuấn cho biết: “Máy tốt đến đâu nếu dùng phải nhớt kém chất lượng sẽ chóng hỏng, tuổi thọ giảm. Dầu nhớt bẩn còn gây ra nguy cơ nổ, tụt áp, tụt xi lanh”.

Không chỉ gây họa cho máy móc, việc nhập, tái chế nhớt thải đang để lại những hệ lụy không nhỏ cho môi trường tại xã An Khánh, Hoài Đức. “Không cây gì, con gì sống được” - người dân ở đây cho biết. Theo người dân địa phương, một số lò chế biến nhớt thải đã chuyển đi, để lại những vạt đất nhuộm nhớt thải đặc quánh, đen ngòm. Quanh đó, cây cối cũng nhuộm màu đen đặc, ủ rũ.

Chính quyền “chưa tìm hiểu sâu”
Tại địa bàn xã An Khánh, việc thu mua, bán lại dầu nhớt diễn ra công khai. Theo những người chuyên thu gom để xoay vòng dầu nhớt ở đây, "việc ai nấy làm, không ai quan tâm đến công an, thị trường..." vì từ trước tới nay "chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng, khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng được...".
 

Khi được hỏi về tình trạng sơ chế, bán nhớt thải, nhớt “dởm” tràn lan, ông Nguyễn Viết Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết: "Hầu hết người dân trong địa bàn xã không có công ăn việc làm nên họ thu mua dầu nhớt bán lại thu lợi chênh lệch. Chúng tôi cũng không biết họ thu mua lại của ai, chỉ biết hàng ngày những người đi xe máy gom dầu từ các công ty, xí nghiệp đến đây bán lại. Việc thu mua thì chúng tôi không quản lý, chưa tìm hiểu sâu". Nói về việc đun dầu nhớt tái chế, ông Hướng cho rằng: “Trước đây ở Yên Lũng có một số hộ đun dầu, sau khi Cảnh sát môi trường kiểm tra, nhắc nhở người dân biết việc đó không đúng quy trình, việc đun dầu không diễn ra nữa mà thay bằng việc thu mua, bán lại. Đến bây giờ, chúng tôi cũng không quản lý, tìm hiểu sâu về việc thu mua này".
Theo lời khuyên của các thợ xe, người tiêu dùng muốn chọn được sản phẩm nhớt tốt, nhớt đúng chất lượng thì nên mua tại các đại lý bán những thương hiệu có tên tuổi. Khi thay nhớt nên tới các tiệm sửa chữa quen biết, tin cậy.
H.Nguyên- H.Lương

 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới đăng

Tin đọc nhiều nhất


Đối tác của chúng tôi